LỜI GIỚI THIỆU



Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn trân trọng giới thiệu Tập 2, Số 6, số cuối cùng của năm 2016, với 07 bài nghiên cứu và 03 bài trao đổi thảo luận của 12 tác giả là các nhà khoa học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội. Các bài viết trong số này tập trung các khía cạnh triết học, giáo dục, văn học, xã hội học, tâm lý học và quốc tế học.
Nguyễn Kim Sơn qua khảo cứu “Tam giáo nhất nguyên thuyết”, bàn về sự kết hợp tư tưởng Tam giáo của Trịnh Tuệ. Qua phân tích, lược giải, tác giả đã chỉ ra đặc điểm của việc hội nhập Tam giáo thế kỷ XVIII nói riêng và của lịch sử Việt Nam nói chung.
Từ cách tiếp cận giáo dục và xã hội học, Lê Ngọc Hùng trình bày một số khái niệm mới liên quan đến phát triển bao trùm, bền vững và giáo dục cho mọi người. Đây là nội dung chính trong quá trình tái cấu trúc các mô hình phát triển dựa trên giáo dục, từ chiều rộng dựa vào nguồn lực sang chiều sâu dựa vào hiệu quả. Cùng hướng tiếp cận giáo dục, từ góc độ giáo dục giá trị, Trương Quang Lâm bàn luận và làm rõ hơn những điểm khác biệt và tương đồng giữa giá trị cha mẹ giáo dục và giá trị trẻ em hướng tới trong hoạt động giáo dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay, qua một nghiên cứu tại Hà Nội.
Hoàng Cẩm Giang qua đổi mới mạnh mẽ của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có khảo sát hai hiện tượng viết lại lịch sử và giễu nhại lịch sử như là tiến trình hậu hiện đại hóa tiểu thuyết đương đại trên tinh thần hoài nghi các "Đại tự sự". Trong cùng hướng tiếp cận văn học, Nguyễn Thu Hiền trình bày một góc nhìn về diện mạo dịch thuật văn học hiện đương đại Trung Quốc ở Việt Nam 30 năm Đổi mới (1986-2016). Tác giả nhấn mạnh việc lựa chọn tiêu chí định vị văn học cho sự chọn lựa công trình dịch thuật có sự khác biệt giữa dịch giả hàn lâm và dịch giả theo xu hướng thị hiếu của độc giả, điều này cũng có tác động và dẫn dắt, định hướng cộng đồng độc giả tiếp nhận ở Việt Nam. Trong bài viết của mình, Trần Văn Trọng diễn hóa hình tượng Quan Vũ từ nhân vật lịch sử đến nhân vật văn học. Sự thay đổi trong diễn tiến nhân vật cũng được tác giả đưa ra hàm ý về biến đổi bối cảnh văn hóa tư tưởng xã hội. Trần Thúy Anh  từ việc khảo cứu thơ pantun Melayu đã nhận diện các cặp từ trái nghĩa tạo nên cấu trúc đối lập trong cách thể hiện nội dung để nhận biết những giá trị giáo dục và khuyên bảo của loại hình nghệ thuật này.
Phần trao đổi-thảo luận gồm ba bài viết. Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Minh Tuấn phân tích phạm trù Tín trong Nho giáo tiên Tần và chỉ ra ba hàm ý của phạm trù này trong nghiên cứu và giảng dạy Nho học. Hoàng Khắc Nam phân tích bàn luận Lý thuyết Phê phán và những vấn đề đặt ra cho giảng dạy, nghiên cứu Quan hệ quốc tế ở Việt Nam hiện nay. Trần Bách Hiếu và Nguyễn Văn Trung bàn luận về vị thế của Trung Quốc trong cục diện chính trị ở Đông Á trong gần một thập kỷ qua. Các tác giả nhận diện vấn đề nghiên cứu trong sự thay đổi cấu trúc địa chính trị khu vực, nhìn nhận sự khác biệt và biến đổi trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như vị thế của quốc gia này trong tương quan với Mỹ, Nhật Bản và ASEAN.
Ban Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã tham gia gửi bài, phản biện cho Tạp chí trong thời gian qua, và mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp trong thời gian tới.
 Dự kiến Tập 3, Số 1 sẽ được giới thiệu tới quý độc giả vào cuối tháng 2 năm 2017. Tạp chí đang chuẩn bị cho số tiếng Anh, Tập 3, Số 2 vào tháng 4/2017, rất mong nhận được sự cộng tác của các tác giả.
BAN BIÊN TẬP

Comments

Popular posts from this blog

Triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt và giá trị gợi mở cho việc đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay