LỜI GIỚI THIỆU
LỜI GIỚI THIỆU
Trên tay quý độc giả là tập 2 số 4, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân
văn, với 06 bài nghiên cứu, 02 bài trao đổi thảo luận với sự tham gia của 9 tác
giả. Các bài viết được lựa chọn trong ấn phẩm này tập trung vào các vấn đề
nghiên cứu được tiếp cận từ góc độ lịch sử, tâm lý học, tôn giáo và nhân học.
Từ cách tiếp cận lịch sử, Nguyễn
Văn Khánh tập trung tìm hiểu cách thức đo đạc và quản lý đất đai ở Việt Nam
thời Pháp thuộc, qua đó góp phần nhận diện rõ hơn sự phát triển của ngành Địa
chính, cũng như những thay đổi căn bản trong chính sách quản lý đất đai thời
Pháp thuộc so với các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó. Ở bài viết thứ
hai, tác giả Lý Tường Vân, có bàn luận và làm rõ hơn các chính sách thực dân
của Anh ở Malaya và những tác động đến sự chuyển dịch kinh tế, trong đó nhấn
mạnh đến ngoại kiều trong sự phát triển kinh tế Malaya. Cùng hướng tiếp cận
lịch sử, Phạm Lê Huy đi sâu phân tích
và so sánh về ý tưởng thiết kế cung đô Nhật Bản thế kỷ thứ VII và Kinh đô Thăng
Long từ quan điểm "chiêu gián" và tư tưởng thiết kế của các vương
triều Trung Quốc. Đây là một bài khảo cứu chuyên sâu, công phu, góp thêm những
tư liệu quý khi nghiên cứu về vấn đề này.
Trong bài viết thứ tư, Nguyễn
Thị Tám từ cách tiếp cận tôn giáo học, nhân học, xã hội học tôn giáo đã
phân tích những biến đổi xã hội, sinh kế của người Mnông qua gần 4 thập kỷ, dựa
trên nghiên cứu cụ thể tại Đắc Nông. Những biến đổi đó được nhận diện rõ ràng ở
các khía cạnh chuyển dịch hình thức sản xuất, trao đổi buôn bán, khai thác tài
nguyên, cũng như những chuyển biến về phân công lao động trong gia đình và
ngoài xã hội. Phạm Phú Tỵ thông qua
phân tích những ảnh hưởng và tác động của những biến đổi về kinh tế, văn hóa,
chính trị và của lĩnh vực văn nghệ đối với việc phát triển văn hóa văn nghệ
Việt Nam một thập kỷ trước thời kỳ Đổi Mới. Trong bài viết thứ sáu, Trịnh Văn Định từ cách tiếp cận văn hóa,
chính trị đã khảo cứu tính quy luật mở đường, mở rộng sự ảnh hưởng của Trung
Quốc thông qua việc tạo dựng hai con đường tơ lụa trong lịch sử để qua đó kết
nối với chiến lược một vành đai, một con đường được đưa ra gần đây của Trung
Quốc.
Trong phần trao đổi-thảo luận, Trần
Thị Vinh có nhìn nhận và luận giải tiến trình lịch sử của mối quan hệ giữa
Anh và EU với 3 mốc thời gian chính để qua đó chỉ ra những vấn đề cần quan tâm
hậu Brexit cho cả Anh, châu Âu và thế giới. Ở bài viết cuối cùng, Đặng Hoàng Ngân và Nguyễn Minh Hằng có
tổng lược các công cụ đánh giá niềm tin tôn giáo từ góc độ Tâm lý học và gợi mở
các khả năng thích ứng, ứng dụng khi nghiên cứu về niềm tin tôn giáo ở Việt Nam
hiện nay.
Cũng như các số xuất bản đã công bố, ngoài các bài viết nghiên
cứu, thảo luận, Tạp chí còn chia sẻ các thông tin về các sự kiện khoa học đã
diễn ra và chuẩn bị diễn ra ở phần thông tin khoa học, và các thông tin giới
thiệu các công trình nghiên cứu khoa học mới công bố.
Ban Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn xin trân trọng
gửi lời cám ơn tới các nhà khoa học đã tham gia gửi bài, phản biện cho Tạp chí
trong thời gian qua, và mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp của các nhà
khoa học đối với Tạp chí trong thời gian tới. Ban Biên tập cũng trân trọng
thông báo, Tạp chí đã được cơ sở dữ liệu EBSCOHOST của Mỹ trích dẫn và cũng
được 5 hội đồng chức danh giáo sư ngành và liên ngành công nhận để tính điểm
cho các công trình khoa học khi xét chức danh giáo sư và phó giáo sư.
Dự kiến Tập 2 số 5 (số
tiếng Anh) và số chuyên san đầu tiên của Tạp chí (gồm các kết quả nghiên cứu
của cán bộ trẻ) sẽ được giới thiệu với Quý độc giả vào cuối tháng 10 năm 2016.
Comments
Post a Comment