LỜI GIỚI THIỆU



Trên tay quý độc giả là tập 2 số 3, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, với 07 bài nghiên cứu, 02 bài trao đổi thảo luận, 01 bài điểm sách và các thông tin khoa học, với sự tham gia của 12 tác giả. Các bài viết được lựa chọn trong ấn phẩm này tập trung vào các vấn đề nghiên cứu được tiếp cận từ góc độ lịch sử, quan hệ quốc tế, tâm lý học, tôn giáo và nhân học.
Trong bài viết đầu tiên, Nguyễn Thái Yên Hương đi vào phân tích nguyên tắc 4P trong quan hệ Việt-Mỹ, qua đó mở ra những hàm ý sâu về cách thức hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ. Tác giả Phạm Đức Anh, trong bài viết tiếp theo có đề cập tư tưởng thân dân trong đường lối trị quốc của các nhà nước quân chủ Việt Nam thời Lý-Trần và Lê sơ, qua đó góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân” hiện nay. Ở bài viết thứ ba, khi đề cập đến Châu bản Triều Nguyễn, Nguyễn Văn Hàm và Cam Anh Tuấn đã phác họa được bức tranh về tình hình khai thác tư liệu lịch sử này qua dữ liệu các công trình được công bố, qua đó chỉ ra một số giải pháp nhằm tiếp tục phát huy giá trị của di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương do UNESCO vinh danh năm 2014. Trong chiều hướng tiếp cận các vấn đề lịch sử, Trần Thị Phương Hoa, thông qua những đóng góp của học sinh trường dạy nghề để nhận diện quá trình hình thành phong trào vô sản ở Việt Nam thời Pháp thuộc. Trong bài viết thứ năm, Lê Thị Minh Loan và Ngô Thị Thuận tập trung nghiên cứu mức độ hứng thú với công việc trong mối quan hệ gắn kết nơi làm việc của công nhân các công ty dệt may, da giày ở Hải Phòng. Mức độ hứng thú được tác giả đề cập ở đây bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố: Sự phù hợp của công việc với người lao động, thu nhập và thái độ của người quản lý, trong đó sự phù hợp của công việc với năng lực của người lao động có ảnh hưởng mạnh nhất.
Nghiên cứu của Trần Thị Kim Oanh và Vũ Đức Chính đề cập đến sự hội nhập giữa Phật Giáo và tín ngưỡng truyền thống qua nghiên cứu tại hai chùa Quán Sứ và Trung Kính thượng trên địa bàn Hà Nội. Đây là một nghiên cứu mang tính đặc thù và đưa đến cho người đọc góc nhìn trực diện hơn về chủ đề nghiên cứu. Tác giả Vũ Thị Tú Anh phân tích trải nghiệm của phụ nữ theo Đạo Mẫu. Trong cuộc sống, nhóm phụ nữ này tiếp tục sử dụng các giá trị và cách thức truyền thống của tín ngưỡng, tôn giáo để chống chọi lại với những thách thức trong cuộc sống hiện tại, duy trì bản sắc và sự phát triển cá nhân. Đối với họ, chủ nghĩa huyền bí và nghi lễ hầu đồng trong tục thờ Thánh Mẫu là sức mạnh và là nguồn an ủi tinh thần tạo ra quyền lực mềm trong cuộc sống của họ.
Trong phần trao đổi-thảo luận có hai bài viết. Ở bài đầu tiên Lâm Minh Châu đã phân tích và bình luận về mối quan hệ giữa nhân học và phát triển bền vững từ việc nhận diện vị thế, vai trò và sự ảnh hưởng của thế hệ trẻ. Còn bài của Nguyễn Văn Lượt tổng thuật các nghiên cứu hiện nay về tác động của di cư đến sự chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em ở các quốc gia châu Á, và gợi mở những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu về chính sách cho Việt Nam. 
Ban Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn xin trân trọng gửi lời cám ơn tới các nhà khoa học đã tham gia gửi bài, phản biện cho Tạp chí trong thời gian qua, và mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học đối với Tạp chí trong thời gian tới. Dự kiến Tập 2 số 4, và số chuyên san đầu tiên của Tạp chí sẽ được giới thiệu với Quý độc giả vào cuối tháng 8 năm 2016.  
BAN BIÊN TẬP

Comments

Popular posts from this blog

Triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt và giá trị gợi mở cho việc đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay