ABSTRACTS IN VIETNAMESE

Chuyển đổi sử dụng đất ở Việt Nam qua lăng kính của kinh tế chính trị
Andrew Wells Dang

Tóm tắt: Sở hữu đất đai ở Việt Nam đang trở thành vấn đề tranh cãi trong bối cảnh có sự gia tăng về phát triển kinh tế và bất bình đẳng. Đất nông nghiệp trong và xung quanh thành phố là mục tiêu của các nhà phát triển để chuyển đổi sang mục đích thương mại. Tại các khu vực nông thôn, tiếp cận của nông dân với đất sản xuất bị hạn chế bởi sự nở rộ các trang trại nhà nước và các doanh nghiệp lâm nghiệp. Kết quả là, số lượng khiếu nại về các vấn đề đất đai gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua, và sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 đã dẫn đến một mức độ chưa từng có về sự tham gia của công chúng trong việc hình thành chính sách đất đai.
Bài viết này áp dụng cách tiếp cận kinh tế chính trị về quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp thông qua phân tích các lợi ích và ưu đãi của các chủ thể chính trong và ngoài nước Việt Nam; khoảng cách giữa các văn bản pháp luật và thực hiện chính sách; và các quá trình của sự tương tác giữa nhiều bên liên quan thời gian qua. Nguồn số liệu bao gồm thông tin thu nhận từ các phương tiện truyền thông chính thức và các blog, các cuộc phỏng vấn với các quan chức và chuyên gia, và kinh nghiệm trực tiếp. Các tác giả nghiên cứu trường hợp hiện tại về quá trình biện hộ ở địa phương thành công và không thành công xung quanh vấn đề đất đai. Trong phần thảo luận và kết luận, bài viết tìm hiểu các nội dung trao đổi của người dân về các vấn đề nổi bật liên quan đến quyền của người nông dân, điều đó có thể thách thức các mô hình tăng trưởng kinh tế qua khai thác tài nguyên.
Từ khóa: Đất đai; kinh tế chính trị; phát triển kinh tế; biện hộ.

Nhân vị liên văn hóa
Nguyễn Vũ Hảo

Tóm tắt: Nhân vị là một trong những vấn đề cơ bản không chỉ trong triết học và các khoa học, mà còn trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội ở tất cả các nước trên thế giới. Giải pháp cho vấn đề này là xuất phát điểm cho các vấn đề khác nhau liên quan đến các phương diện siêu hình học, thể chất, đạo đức và pháp lý, chẳng hạn liên quan đến như các cuộc thảo luận về đạo đức y sinh học về nạo thai, về nghiên cứu tế bào gốc, về phương pháp chết êm ái, hoặc đến các cuộc tranh luận về triết học và pháp luật về quyền con người, quyền công dân, bình đẳng, tự do, pháp nhân,  nhân vị tập thể, v.v…
Một mặt, cần đưa ra tiêu chí phổ quát của nhân vị để phân biệt giữa con người và động vật, giữa người và người tiềm năng, giữa các mức độ khác nhau của nhân vị. Mặt khác, điều quan trọng là phải xem xét các tiêu chí đặc biệt của nhân vị có hiệu lực trong khuôn khổ và giữa các nền văn hóa khác nhau, cụ thể là các tiêu chí liên văn hóa của nhân vị. Bài viết này trình bày một vài suy ngẫm về nhân vị liên văn hóa, về các tiêu chí, các vấn đề và giải pháp có thể của nó, đặc biệt trong bối cảnh của toàn cầu hóa hiện nay.
Từ khóa: Nhân vị liên văn hóa; đạo đức y sinh học; chủ nghĩa duy ngã văn hóa; giao tiếp liên văn hóa; xung đột liên văn hóa.

Học thuyết Nixon và ảnh hưởng của nó đến quan hệ Mĩ-đồng minh châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan và Phi-líp-pin)
Đỗ Diệu Khuê

Tóm tắt: Nghiên cứu này kiểm chứng mối quan hệ giữa Mĩ và ba đồng minh châu Á-Thái Bình Dương-Hàn Quốc, Thái Lan và Phi-líp-pin-theo sau một thay đổi lớn trong chính sách của Mĩ đối với khu vực mang tên “Học thuyết Nixon” cuối những năm 1960, đầu 1970. Là ba mục tiêu áp dụng của Học thuyết Nixon, ba nước đồng minh này cũng là ba đối tượng của nghiên cứu này, do sự dính líu sâu của họ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Kể từ năm 1964, vì Mĩ kêu gọi các đồng minh đóng góp cho cuộc chiến tại Việt Nam thông qua "chiến dịch thêm cờ", lính đánh thuê Hàn Quốc, Thái Lan và Phi-líp-pin bắt đầu được gửi tới Nam Việt Nam nhằm hỗ trợ quân Mĩ và chính quyền Sài Gòn. Tham gia vào cuộc chiến này đồng nghĩa với sự dính líu của ba nước trong các hoạt động quân sự của Mĩ ở khu vực Đông Nam Á. Hậu quả là, khác với các đồng minh khác của Mĩ, như Đài Loan hoặc Indonesia, những nước không dính líu sâu vào cuộc chiến bằng việc gửi quân, ba đồng minh này gặp phải các khó khăn trước chính sách mới của Mĩ: Thoái hồi quân sự khỏi châu Á và rút ra khỏi Việt Nam.
Từ khóa: Học thuyết Nixon; quan hệ Hàn-Mĩ; quan hệ Thái Lan-Mĩ; quan hệ Phi-líp-pin-Mĩ; độc tài ở châu Á.

Sơ đồ hóa cách tiếp cận của Trung Quốc về hợp tác năng lượng: Tính ưu việt của lợi ích quốc gia
Phạm Văn Min

Tóm tắt: Bài viết tham gia thảo luận quá trình tìm kiếm an ninh năng lượng toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào cách tiếp cận của Trung Quốc trong hợp tác quốc tế. Bài viết lập luận rằng cách tiếp cận của Trung Quốc bao gồm ba bước. Bước đầu, Trung Quốc tham gia một cách thụ động vào các đề xuất do các nước khác đưa ra. Sau đó, Trung Quốc sẽ dần trở nên chủ động hơn bằng việc đề xuất các vấn đề hợp tác phục vụ tốt nhất cho nhu cầu năng lượng trong nước. Nếu được chấp nhận, Trung Quốc sẽ thể hiện cam kết tích cực để thúc đẩy quá trình hợp tác. Ngược lại, Trung Quốc sẽ trở lại giai đoạn đầu và thờ ơ với việc hợp tác quốc tế. Trung Quốc cũng lảng tránh và giữ thái độ lạnh nhạt đối với bất cứ vấn đề hợp tác năng lượng nào có thể thách thức chủ quyền của nước này. Bài viết tập trung vào ba trường hợp nghiên cứu là hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc-Nhật Bản, Trung Quốc-Hoa Kỹ, và sự tham gia của Trung Quốc vào hợp tác năng lượng đa phương ở Đông Á bao gồm ASEAN+3 và Thượng đỉnh Đông Á. Nhân tố quan trọng xuyên suốt cách tiếp cận của Trung Quốc chính là lợi ích quốc gia. Cách tiếp cận này có thể đưa ra những gợi mở cho hành vi của Trung Quốc trong các lĩnh vực khác như thương mại và thậm chí là trong những tranh chấp lãnh thổ. Việc tìm hiểu hành vi của Trung Quốc là cần thiết nếu các quốc gia mong muốn hợp tác với nước này và thúc đẩy hợp tác quốc tế về năng lượng.
Từ khóa: Trung Quốc; tiếp cận ba bước;  năng lượng; lợi ích quốc gia.

Stress trong cuộc sống gia đình, nguồn lực đối phó, và sức khỏe tinh thần của phụ nữ di trú kết hôn Việt Nam tại Hàn Quốc: Một nghiên cứu tích hợp
Nguyễn Thị Phương Thảo

Tóm tắt: Số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn và di trú đến Hàn Quốc ngày càng tăng lên. Những phụ nữ này phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng thần kinh (stress) trong cuộc sống gia đình ở môi trường xa lạ. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về stress liên quan đến việc thích nghi với văn hóa Hàn Quốc của phụ nữ di trú kết hôn Việt Nam, rất ít công trình nghiên cứu tìm hiểu về stress trong cuộc sống gia đình cùng những ảnh hưởng tiêu cực của stress đến sức khỏe tinh thần của họ. Vì vậy, tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm chỉ ra mối tương quan giữa stress trong đời sống gia đình và sự trầm cảm, đồng thời tìm hiểu vai trò trung gian của một vài yếu tố liên quan đến nguồn lực đối phó với stress (lòng tự trọng, hành vi đối phó) trong mối quan hệ đó. Nghiên cứu kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính. Dữ liệu định lượng được thu thập thông qua một cuộc khảo sát với 301 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn và đang sinh sống tại Hàn Quốc. Dữ liệu định tính được thu thập thông qua các cuộc phỏng vấn sâu (in-depth interview) với năm phụ nữ di trú kết hôn Việt Nam và phân tích dựa theo các đề mục nội dung (thematic analysis). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra vai trò trung gian của lòng tự trọng và hành vi né tránh trong mối quan hệ giữa stress trong cuộc sống gia đình và sự trầm cảm. Cụ thể là việc chịu nhiều stress trong cuộc sống gia đình có liên quan đến lòng tự trọng thấp cũng như việc sử dụng các hành vi tiêu cực để đối phó (né tránh), từ đó dẫn đến mức độ trầm cảm cao. Dựa trên kết quả nghiên cứu này, bài viết đưa ra một vài hàm ý cho việc nghiên cứu và thực hành công tác xã hội.
Từ khóa: Stress trong cuộc sống gia đình; đối phó với stress; trầm cảm; phụ nữ di trú kết hôn Việt Nam; Hàn Quốc.

Bản sắc dân tộc ở Đông Nam Á: Phản biện về công trình của Anthony Reid
Phan Quang Anh

Tóm tắt: Đông Nam Á là một khu vực đang thay đổi. Xét trên phương diện chủ nghĩa dân tộc, một Đông Nam Á hiện đại và năng động đã và đang cố gắng tìm kiếm một sự định hình cho thời kỳ hậu thực dân cũng như nỗ lực tạo dựng một khối đa quốc gia có sự gắn kết bền chặt mà ASEAN là một ví dụ điển hình. Nhiều học giả đã nghiên cứu vấn đề này từ nhiều góc độ khác nhau với các cách thức lý giải phần nhiều quan tâm tới thời kỳ thực dân và cách thức chủ nghĩa thực dân kiến tạo hình thức chủ nghĩa dân tộc hiện đại ở Đông Nam Á. Anthony Reid nằm trong số những học giả có cái nhìn rộng hơn khi ông xem xét vấn đề này bằng cách kết hợp cả những yếu tố ngoại sinh-chủ nghĩa thực dân phương Tây và những yếu tố nội sinh của chính khu vực. Qua phương pháp diễn giải và phê phán nội dung công trình của ông, bài viết khái quát quan niệm của Reid về vấn đề này cũng như chỉ ra những luận điểm còn cần phải phân tích thêm.
Từ khóa: Chủ nghĩa dân tộc; bản sắc dân tộc; Đông Nam Á; chủ nghĩa thực dân; thời kỳ hậu thực dân.

Nhân tố Mỹ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Phạm Hoàng Tú Linh

Tóm tắt: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được 12 nước tham gia ký kết vào ngày 5/10/2015 sau 5 năm đàm phán cam go và nhiều lần trì hoãn. Đây là thành công lớn đối với chiến lược chuyển hướng trọng tâm của Mỹ vào Châu Á-Thái Bình Dương. TPP-trụ cột về kinh tế trong chính sách "xoay trục sang châu Á" của Chính quyền Tổng thống Obama. Việc Mỹ sử dụng TPP làm công cụ kinh tế không chỉ giúp Washington duy trì vị thế siêu cường số 1 thế giới mà còn giúp chính quyền Obama kiềm chế đối thủ đang vươn lên mạnh mẽ trong khu vực là Trung Quốc. TPP sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nước Mỹ, các nước tham gia và cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, sự tham gia của Mỹ trong TPP đóng vai trò là đối tác lớn nhất và quan trọng trong suốt quá trình đàm phán.  
Từ khóa: Mỹ; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Comments

Popular posts from this blog

Triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt và giá trị gợi mở cho việc đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay