Thông tin khoa học



Hội thảo Khoa học quốc tế “Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: Đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ”
 Ngày 29/12/2015, Khoa Thông tin-Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ mở-Bộ Khoa học và Công nghệ và Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: Đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ”. Tham dự hội thảo có ông Đào Mạnh Thắng (Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia), ông Đào Ngọc Chiến (Phó Cục trưởng Cục Công nghệ cao, Bộ Khoa học Công nghệ), bà Vũ Dương Thúy Ngà  (Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện-Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch); bà Hoàng Minh Nguyệt (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam), bà Terry Parnell (Giám đốc Chương trình sáng kiến phát triển mở, Viện Quản lý Đông Tây); PGS. TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội). Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện Ban giám hiệu, lãnh đạo phòng ban đến từ 425 trường đại học, các cơ quan thông tin thư viện, các hiệp hội nghề nghiệp như Hội Thông tin Việt Nam, Hội Thông tin Tư liệu, các công ty, doanh nghiệp trên khắp cả nước. Đặc biệt có sự hiện diện của 5 doanh nghiệp kinh doanh-công nghệ tài trợ kinh phí cho hội thảo.
Theo UNESCO, Tài nguyên giáo dục mở là các tài liệu giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khu vực công hoặc được phát hành với giấy phép sở hữu trí tuệ cho phép sử dụng, điều chỉnh và phát hành tự do.  Tài nguyên giáo dục mở rất quan trọng đối với các nước đang phát triển nơi rất nhiều học sinh, sinh viên không có điều kiện sở hữu tài liệu, sách giáo khoa.  Năm 2012, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam điều chỉnh cuốn Hướng dẫn về Tài nguyên giáo dục mở trong Giáo dục Đại học do UNESCO và Tổ chức Khối thịnh vượng chung về Học tập xây dựng, trong đó nêu những chỉ dẫn tích hợp Tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học. Ngày nay, khi bức tranh Tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam đang ngày càng trở nên rõ nét, các bên liên quan đang mong muốn chia sẻ các tài nguyên giáo dục để giảm chi phí và nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, Hội thảo này là một minh chứng cho những nỗ lực của cộng đồng Tài nguyên giáo dục mở đang hình thành ở Việt Nam, nhằm tạo sự kết nối, chia sẻ kiến thức, giảm chi phí và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Hội thảo đã nhận được 37 báo cáo tham luận từ nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước
Cũng nhân dịp này, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ký bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Tài nguyên Giáo dục tại Việt Nam với các đối tác liên quan.
(Phòng Tạp chí tổng hợp)

Thuyết trình "Những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu văn hóa, xã hội, tôn giáo đương đại" của GS Bryan Turner
Buổi thuyết trình diễn ra vào ngày 8/1/2016 và có sự tham dự của PGS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhiều nhà khoa học trong và ngoài trường. Nội dung buổi thuyết trình tập trung vào ba vấn đề chính:
1. Những quan ngại trong nghiên cứu xã hội học hiện nay
GS Bryan Turner* mở đầu bằng việc trình bày về thực trạng hiện nay trong nghiên cứu xã hội học. Theo ông, vai trò của xã hội học đang đi xuống và không đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại. Thời kỳ xã hội học của những tên tuổi nổi tiếng như Max Weber, Durkheim được cho là thời kỳ hoàng kim của xã hội học. Nhưng hiện nay, xã hội học được cho là đang mất dần vai trò quan trọng. Tại sao lại vậy? Đó là vì từ những năm 1950, hệ thống xã hội học của Hoa Kỳ ngày càng chiếm ưu thế và hệ thống này nhấn mạnh vào các mô hình định lượng và sự phức hợp của các mô hình nghiên cứu. Tuy nhiên, các vấn đề càng phức tạp thì góc độ nghiên cứu lại càng hạn hẹp và không thể phản ánh được những vấn đề lớn. Đồng thời, giữa Hoa Kỳ và Châu Âu có một sự phân biệt về mô hình xã hội học. Ở Hoa Kỳ, nguồn tài trợ cho các nghiên cứu xã hội học lớn hơn, nhưng chính vì vậy mà các nghiên cứu của họ thường nhấn quá nhiều vào những vấn đề có tính kỹ thuật và định lượng. Trong khi đó ở Châu Âu, nguồn tài trợ ít hơn, nên các nhà nghiên cứu thường nhấn vào những quan điểm định tính hơn là những khám phá về thống kê và số liệu. Theo GS. Bryan Turner, xã hội học hiện nay chịu ảnh hưởng quá nhiều của tư tưởng tự do mới (neo-liberalism), nhấn mạnh quá nhiều vào trải nghiệm cá nhân, tính cá nhân cũng như các vấn đề hẹp như bản sắc, cá tính, chủ nghĩa tiêu dùng; trong khi không chú ý tới những vấn đề rộng rãi hơn. Ví dụ, Trung tâm xã hội học của Đại học Thành phố New York hiện có khoảng 150 sinh viên sau đại học nghiên cứu về các vấn đề như bản sắc, tính dục, thuyết bình đẳng nam nữ, giới và trẻ em. Trong đó vấn đề giới được coi là quan trọng nhất. Nhưng theo GS Turner thì đây không hẳn là vấn đề duy nhất và chủ đạo trong xã hội học. Nhiều vấn đề từng là chủ đạo trong thời kỳ hoàng kim của xã hội học như giai cấp, bất bình đẳng, công lý, bóc lột, phi công nghiệp hóa lại gần như không được quan tâm thỏa đáng trong thời gian gần đây. Ngoài ra, ông cho rằng nghiên cứu xã hội học hiện nay cũng nhấn quá nhiều vào nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là các vấn đề văn hóa dưới góc độ truyền thông và chủ nghĩa hậu hiện đại. Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi trong định hướng nghiên cứu xã hội học trong thời gian tới.
2. Giải pháp cho những quan ngại của xã hội học hiện đại
Vậy đâu là giải pháp cho những vấn đề này? GS Bryan Turner cho rằng có rất nhiều giải pháp cho thực trạng nói trên. Bản thân ông đã thành lập 3 tạp chí chuyên ngành để giải quyết những vấn đề vừa kinh điển vừa đương đại trong xã hội học.
Thứ nhất là Tạp chí Nghiên cứu Tư cách công dân[1]. Theo GS Bryan Turner, tư cách công dân là vấn đề lớn, kinh điển của xã hội học, liên quan tới cả những vấn đề chính trị như nhà nước. Ví dụ, ở Việt Nam sẽ có những vấn đề về tư cách công dân như định nghĩa của tư cách công dân ở Việt Nam. Tư cách công dân phản ánh việc một cá nhân được hòa nhập vào một xã hội hay bị khu biệt và tách biệt khỏi xã hội ấy. Tư cách công dân cũng liên quan tới vấn đề bất bình đẳng và phân phối nguồn lực trong xã hội. Ví dụ, tư cách công dân sẽ giúp chống lại các thế lực của thị trường, thúc đẩy sự phân phối nguồn lực bình đẳng hơn.
Thứ hai là Tạp chí Xã hội học kinh điển[2]. Tạp chí này nhận được nhiều bài viết về các nhà xã hội học lớn như Karl Marx, Weber, Durkheim. Các bài viết này đề cao những quan điểm, thuật ngữ, cách tiếp cận của các nhà xã hội học lớn ngày xưa mà vẫn còn giá trị cho tới nay. Tạp chí Xã hội học kinh điển muốn khơi dậy sự chú ý với những vấn đề, tác giả, khái niệm và tư tưởng kinh điển này trong xã hội học hiện đại.
Thứ ba là Tạp chí về Thực hành Tôn giáo và Chính trị[3]. Tạp chí này không chỉ tập trung nghiên cứu những vấn đề như tín điều, tôn giáo nói chung, mà còn quan tâm tới cách thức con người thực hành tôn giáo. Tạp chí có hai mối quan tâm chính. Thứ nhất là việc thực hành tôn giáo trong bối cảnh đa dạng tôn giáo hiện nay, sự khác nhau giữa cách thực hành tôn giáo trong Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo, thần đạo, v.v…Thứ hai là mối liên quan giữa tôn giáo và chính trị, chẳng hạn như vấn đề quan hệ giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shi’a ở Trung Đông, quan hệ giữa Phật giáo và Hồi giáo ở Myanmar, xung đột tôn giáo ở Thái Lan, cũng như ảnh hưởng của Hồi giáo ở Châu Âu.
3. Những dự định nghiên cứu xã hội học
Ngoài ba tạp chí nói trên, GS Turner sắp khởi động một đề án nghiên cứu có tên “Thế tục hóa, tính đương đại và sự đa nguyên về xã hội của tôn giáo”. Dự án này có những mối quan tâm chính sau: Thứ nhất là tính đa nguyên về pháp lý. Cụ thể, dự án sẽ tập trung vào vấn đề Luật Hồi giáo hay còn gọi là Luật Sharia. Thứ hai là sự đa dạng về xã hội. Các vấn đề chính trong mối quan tâm này là gia đình, tình dục, hôn nhân đồng tính,…Việc nghiên cứu những vấn đề này sẽ làm rõ tính đa dạng trong gia đình và đời sống hôn nhân hiện nay. Thứ ba là cuộc khủng hoảng mà xã hội tôn giáo đang phải đối mặt. Có rất nhiều vấn đề tôn giáo đáng quan tâm trong giai đoạn hiện nay như sự xuất hiện của người đồng tính trong các môi trường công cộng, hay những tranh luận giữa các cộng đồng Tin lành và Chính thống giáo ở nhiều quốc gia hiện nay.
Qua những mối quan tâm nói trên, dự án này sẽ trả lời hai câu hỏi chính là: Điều gì tạo nên sự cố kết và thành công của một xã hội? Điều gì làm nên hạnh phúc của con người, và quan hệ giữa mệnh hệ của một xã hội với hạnh phúc con người là gì? Theo GS Turner, có nhiều tiêu chí thường dùng để đánh giá sự thành công một xã hội như sức khỏe người dân, của cải và sự hạnh phúc. Tuy nhiên, còn có nhiều tiêu chí quan trọng khác chưa được chú ý tới tuy chúng cũng góp phần quan trọng vào sự thành công của một xã hội. Chẳng hạn, trong nhiều xã hội, tư cách công dân được quy định ngặt nghèo tới mức có nhiều thành phần trong xã hội bị gạt ra ngoài lề như người thiểu số, người di cư, người tị nạn.
Tóm lại, vấn đề mấu chốt của xã hội học hiện đại liên quan tới hạnh phúc của con người. Hạnh phúc con người cũng là thước đo chính của một xã hội thành công. Theo ông, con người sẽ hạnh phúc khi họ có cơ hội phát triển và lớn mạnh. Nhưng con người không thể làm được điều đó nếu xã hội không tốt đẹp. Thông qua dự án này, ông sẽ xây dựng một nghị trình nghiên cứu mới cho xã hội học hiện đại. Nghị trình này sẽ tập trung nghiên cứu những vấn đề của xã hội hiện đại nhưng trên cơ sở vận dụng các quan điểm và khái niệm mang tính kinh điển trong xã hội học. Theo dự định ban đầu, dự án sẽ tập trung nghiên cứu các xã hội, tuy nhiên GS Bryan Turner đã chuyển đối tượng nghiên cứu sang các thành phố.
Nhân cơ hội này, GS Turner cũng đề xuất với PGS. TS Phạm Quang Minh về việc triển khai một dự án nghiên cứu có tính chất toàn cầu. Dự án này sẽ áp dụng các tiêu chí đánh giá thành công của thành phố để trả lời những câu hỏi như: liệu Hà Nội, Melbourne hay New York có phải là những đô thị thành công không trong tương quan với các thành phố khác trên thế giới? Qua dự án này, các học giả và nhà nghiên cứu xã hội học sẽ có cơ hội trao đổi quan điểm và kinh nghiệm với nhau. PGS. TS Phạm Quang Minh đã đón nhận đề xuất này và cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng và thú vị với nghiên cứu xã hội học. 
Sau phần thuyết trình, các cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường đã đặt nhiều câu hỏi cho GS Bryan Turner liên quan tới những vấn đề như quan niệm về hạnh phúc; quan điểm và chính sách của Tổng thống Obama về việc mua bán súng và phản ứng của dân chúng Hoa Kỳ; vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại; vấn đề tư cách công dân trong nghiên cứu xã hội học; cũng như nền kinh tế thị trường và hạnh phúc của cá nhân…
(Phòng Tạp chí tổng hợp)


Hội thảo: Giảng dạy và nghiên cứu khoa học quản lý:
Lý luận và thực tiễn
Hội thảo “Giảng dạy và nghiên cứu Khoa học Quản lý: Lý luận và thực tiễn” do Trường ĐHKHXH&NV tổ chức ngày 23/1/2015. GS.TS Nguyễn Văn Kim-Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Trần Văn Hải (Khoa Khoa học Quản lý) chủ trì hội thảo. Trường ĐH KHXH&NV đã bắt đầu đào tạo đại học chuyên ngành Quản lý Xã hội từ năm 1995, đào tạo cao học chuyên ngành Quản lý khoa học và công nghệ từ năm 1999 và xây dựng chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ từ năm 1999. Đây là những cơ sở tiền thân để phát triển Khoa Khoa học quản lý, được thành lập năm 2006. Khoa có chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học về khoa học quản lý trong đó có bốn lĩnh vực chính: Quản lý khoa học và công nghệ, quản lý nguồn nhân lực, chính sách xã hội và quản lý sở hữu trí tuệ. Trải qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong gần 15 năm qua, Khoa khoa học quản lý không ngừng phát triển, đa dạng về ngành học, hệ đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn về nhân lực quản lý. Tổng số bộ môn của khoa là 4: Bộ môn Quản lý xã hội, Bộ môn Chính sách và quản lý khoa học và công nghệ, Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Bộ môn Lý luận và phương pháp. Hiện nay, thực tiễn cuộc sống đã và đang đặt ra cho công tác nghiên cứu và giảng dạy khoa học quản lý ở nước ta những vấn đề mới, những thách thức mới và những cơ hội mới. Trong bối cảnh đó, hội thảo là hoạt động khoa học nhằm đánh giá thực trạng, ghi nhận những thành tựu và chỉ ra những hạn chế của công tác nghiên cứu và giảng dạy khoa học quản lý; trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng ngành học này phục vụ sự phát triển của xã hội. Hội thảo có 26 tham luận của các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp,… với nội dung bàn đến các vấn đề lý luận, các thuật ngữ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học quản lý, những vấn đề thực tiễn nảy sinh trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học quản lý, các lý thuyết mới trong nghiên cứu khoa học quản lý, vấn đề đương đại trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học quản lý và các phương pháp nghiên cứu và giảng khoa học quản lý.
(Phòng Tạp chí tổng hợp)
Lễ ra mắt và Hội nghị cộng tác viên Tạp chí
Khoa học Xã hội và Nhân văn
Ngày 22/1/2016, tại Hội trường tầng 2 Nhà H Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã diễn ra lễ ra mắt Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn. Buổi ra mắt có sự hiện diện của GS. TS Nguyễn Hữu Đức-Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS. TS Phạm Quang Minh-Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS. TS Nguyễn Văn Khánh-Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, cùng các vị khách quý, nhà giáo, nhà nghiên cứu, cán bộ và giảng viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.  Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn được thành lập ngày 31/8/2015 (giấy phép hoạt động số 155/GP-BVHTT ngày 11 tháng 5 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mã số tiêu chuẩn quốc tế ISSN 2354-1172) có nhiệm vụ công bố, giới thiệu các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của các tác giả ở trong và ngoài nước. Tạp chí tập trung và ưu tiên đăng tải những bài báo theo định hướng của tinh thần cởi mở, sáng tạo, nhanh chóng vươn lên để tiếp cận và sánh ngang với các tạp chí có uy tín hàng đầu của khu vực và trên thế giới. Mục tiêu phát triển của Tạp chí là sớm trở thành một tạp chí hàng đầu của Việt Nam về khoa học xã hội và nhân văn, đến năm 2025 nằm trong danh mục tạp chí uy tín trên thế giới (SCOPUS và ISI).
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã thay mặt Ban lãnh đạo Nhà trường gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới Ban biên tập của Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, cũng như đánh giá cao những nỗ lực của tất cả các thành viên Ban biên tập, các cộng tác viên và cơ quan cộng tác với Tạp chí. Hiệu trưởng cho rằng sự ra đời của tạp chí là một sự kiện lớn của Trường trong năm 2015 và mong nhận được sự đóng góp và hỗ trợ của các giảng viên, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để phát triển Tạp chí hơn nữa.
Thay mặt Ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, GS. TS Nguyễn Hữu Đức (Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) hoan nghênh hướng tiếp cận tiêu chuẩn hóa và hội nhập quốc tế của Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trước đây, các công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam rất ít khi được trích dẫn và tìm kiếm trên trang Google Scholar. Nhờ có những nỗ lực trong việc tiêu chuẩn hóa chất lượng và nâng cấp công nghệ hiện nay, các công trình nghiên cứu của Tạp chí đã xuất hiện trên Google Scholar và được cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến. Điều này giúp nâng cao uy tín cũng như quảng bá tên tuổi của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội ra bên ngoài. Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng góp phần triển khai kế hoạch phát triển và kiện toàn hệ thống tạp chí của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo kế hoạch này, trên cơ sở thí điểm thành công Tạp chí Khoa học xa hội và Nhân văn, năm 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai xây dựng hệ thống Tạp chí đến từng đơn vị thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội. GS. TS Nguyễn Hữu Đức cũng đề nghị Trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kết nối chặt chẽ với các đơn vị thành viên khác cũng như với Đại học Quốc gia Hà Nội trong các văn bản hành chính và phát ngôn chính thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cũng như giữ vững thương hiệu cho Tạp chí.
Thay mặt cơ quan lãnh đạo Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Tổng biên tập) phát biểu đóng góp, chỉ đạo của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo, các cơ quan, các nhà khoa học đóng góp ý kiến xây dựng Tạp chí.  GS. TS Nguyễn Văn Khánh cam kết sẽ cùng với Ban biên tập phát triển Tạp chí xứng đáng với vị trí là cơ quan phát ngôn khoa học của một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của đất nước, từng bước tiếp cận và hội nhập với các ngành khoa học xã hội và nhân văn  trong khu vực và trên thế giới.
(Phòng Tạp chí tổng hợp)

Các hội thảo khoa học trong năm 2016 (dự kiến)
Trong năm 2016, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến tổ chức một số Hội thảo khoa học chính như sau:
- 30 năm đổi mới: Thành công, Những bài học và giới hạn;
- Những vấn đề địa văn hóa đồng bằng sông Cửu Long;
- Xung đột ở biển Đông: Tình trạng và triển vọng;
- Các nguồn tài liệu, tư liệu lưu trữ về Việt Nam-Giá trị và khả năng tiếp cận;
- Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn;
- Hạnh phúc con người trong giao thoa văn hóa;
- Đào tạo và nghiên cứu du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế;
- Đông phương học Việt Nam-Thành tựu và phát triển;
- Cuộc khủng hoảng di cư: Góc độ so sánh giữa ASEAN và EU;
- Cộng đồng Asean sau một năm;
- Báo chí SOAP: Góc độ so sánh;
- Các nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững: Lý luận, thực tiễn và các giải pháp chính sách;
- Những chiều cạnh xã hội của sức khỏe và công tác xã hội trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam hiện nay: Thách thức và triển vọng;
- Luật pháp và tôn giáo;
- Gia đình Đa văn hóa Việt Nam và Đông Á;
- Các yếu tố có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động chuyển giao công nghệ;
- Hoạt động của các Lưu trữ lịch sử-Trách nhiệm xã hội và vấn đề đối với đào tạo;
- Định hình nguồn nhân lực ngành Thông tin thư viện trong thế kỷ XXI;
- Quản lý nghệ thuật ở Việt Nam: Hiện trạng và giải pháp;
- Ký hiệu học văn hóa: Sự thông diễn ký ức văn hóa trong sáng tạo văn học nghệ thuật;
- Tiếp nhận văn học Trung Quốc ở Việt Nam trong 30 năm sau Đổi mới (1986-2016);
- Truyền thông quản trị: Nguy cơ và xử lý khủng hoảng;
- Nghiên cứu văn học tại Việt Nam: 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế;
- Hội thảo về giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học,…
Mọi thông tin chi tiết về hội thảo, nội dung hội thảo, xin liên hệ Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, Phòng 706-E. email:
dinhtv2008@gmail.com.
(Phòng QLNCKH)



Comments

Popular posts from this blog

Triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt và giá trị gợi mở cho việc đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay