"Vô vị lợi - Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn"

"Vô vị lợi - Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn"
(Tác giả Martha C. Nussbaum, dịch giả Bùi Thanh Châu,
Nhà xuất bản Hồng Đức và Ban tu thư Đại học Hoa Sen, 2015)

Th.s Nguyễn Minh

1. Cuộc khủng hoảng âm ỉ
Trong bài diễn văn khai giảng tại Đại học St.Andrews, John Strauss Mill, với tư cách hiệu trưởng, đã chỉ trích nền giáo dục Anh, nền giáo dục đầu tàu của nhân loại lúc bấy giờ, là thứ hỗn hợp giữa chủ nghĩa trọng thương, lí tính công cụ hóa và thuyết Thanh giáo. Sự cáo buộc này nhắm đến việc nước Anh, nơi sản sinh ra những triết gia và nhà văn vĩ đại nhất thời cận đại, lại cũng là nơi giáo dục khai phóng (liberal arts education) bị co cụm lại thành vật trang sức cầu kỳ cho giới thượng lưu.
Bóng ma này trở lại trong báo cáo 07/2013 của Viện Nghệ thuật và Khoa học Mỹ trước Quốc hội Mỹ về cái gọi là “sự khủng hoảng của các ngành nhân văn”. Sự khủng hoảng này không chỉ là sự sụt giảm số lượng sinh viên theo học hay giảng viên giảng dạy các ngành khoa học xã hội nhân văn mà sâu xa hơn là sự quay lưng của sinh viên, phụ huynh, nhà quản lý, nhà đầu tư đối với giáo dục khai phóng. Bản báo cáo "The heart of matter” này mô tả sự xuống dốc và suy sụp của các ngành nhân văn trong xu thế thương mại hóa mạnh mẽ giáo dục đại học; cũng như sự lo lắng ngày càng tăng của đại chúng về việc giáo dục khai phóng trong hai năm đào tạo bậc đại học, ngoài việc biến sinh viên thành “ông-biết-tuốt” thì chẳng giúp gì được cho họ trong việc có được nghề nghiệp ổn định và công việc thu nhập cao.
Vậy phải chăng giáo dục khai phóng và các khoa học nhân văn đã đến lúc chỉ còn co cụm lại trong phân khoa Ngữ văn hoặc biến mất hoàn toàn khỏi chính sách giáo dục, nhường chỗ cho sự thắng thế tuyệt đối của các ngành công nghệ và tài chính. Tại sao giáo dục khai phóng (GDKP), từng là điểm tựa cho sự phát triển tột bậc của đại học châu Âu thời cận đại cũng như là bản sắc của giáo dục đại học Mỹ lúc khởi đầu, nay lại trở thành “vô dụng” trong một thế giới cạnh tranh và bất ổn ở cấp độ toàn cầu.
Martha Nussbaum, giáo sư triết học và thần học của Viện Đại học Chicago lại không hề bi quan như thế. Trong cuốn “Vô vị lợi – Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn”, đầy nhiệt tình và sáng suốt, bà đã bảo vệ cũng như khẳng định vai trò của việc giáo dục các khoa học nhân văn trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong đó giáo dục không chỉ tạo ra tăng trưởng kinh tế bằng các kĩ sư lành nghề mà còn phải có trách nhiệm đào luyện nên tinh thần công dân khi các quốc gia, châu lục ngày càng tương thuộc vào nhau, khi các vấn đề của nhân loại trở nên phức tạp và vô phương giải quyết. Và đó chính là lợi thế cạnh tranh của nền GDKP “vô vị lợi” đối với nền giáo dục “vị lợi” đang chiếm thế thượng phong.

2. Từ sự thấu cảm đến công dân toàn cầu
Từ các nghiên cứu tâm lí học phát triển, tác giả chỉ ra rằng nền tảng của GDKP đã bắt đầu từ khi trẻ nhỏ chơi đùa với nhau. Khi chia sẻ đồ chơi hay cùng tham gia một luật chơi, chúng học được cách thương thỏa và tránh sự kiểm soát hoàn toàn kẻ khác. Từ đó, trẻ đi đến “một cảm giác hối lỗi về sự hung hăng của mình và thực tâm lo lắng cho sự tốt lành của người khác”. Nhưng bản thân lòng trắc ẩn chưa đáng tin cậy. GDKP cần phát triển tình cảm trắc ẩn thành một cấp cao hơn – giải quyết sự xung đột không ngừng giữa tôi – kẻ khác, chúng tôi – chúng nó, trong một xã hội ngày càng đa dạng các nhóm thiểu số (về tôn giáo, giới tính, chủng tộc,…). Việc đưa ra quyết định như một công dân có trách nhiệm không chỉ dựa trên việc gom góp dữ liệu từ các nhóm đó mà phải xuất phát từ năng lực “nhìn thế giới từ quan điểm của người khác, nhất là những người mà xã hội của họ thường mô tả là thua kém, “chỉ là những đồ vật mà thôi”.
Mở rộng ra, bất kỳ ai cũng không thể đứng ngoài sự tương thuộc toàn cầu, vì thế mà các vấn đề toàn cầu trở nên phức tạp đến nỗi các tri thức đơn lẻ không thể giải quyết được. Tinh thần truy vấn kiểu Scorate mà GDKP đem lại sẽ giúp sinh viên nhìn nhận bất kì một vấn đề nào cũng không chỉ bó hẹp trong không gian họ sống, mà liên hệ với một hệ thống nhân quả có ảnh hưởng đến các công dân ở những vùng xa xôi khác. Việc giảng dạy kinh tế không thể bó hẹp trong danh mục các nguyên liệu, công việc, phần thưởng để làm ra một lon nước. Để hiểu một lon nước, bắt buộc sinh viên phải hiểu cuộc sống ở các quốc gia khác, và tất yếu sẽ tiếp tục truy vấn về nền văn hóa, điều kiện lao động,… của họ. Rồi bằng sự đồng cảm, chúng ta sẽ tiếp tục nghĩ về trách nhiệm của mình đối với những người lao động xa lạ kia như một tác nhân đến cuộc sống thường ngày của họ.
Chứng minh cho luận điểm trên, Nussbaum đã dẫn lại thành công của Tagore và Dewey tại Viện Visva-Bharati và Trường Thực nghiệm Chicago. Sau Thế chiến thứ nhất, Tagore đã nhận thấy sự thất bại của nhân loại bắt đầu khi nhà trường dạy cho trẻ yêu chuộng sự thống lĩnh thay vì thấu hiểu và tương trợ lẫn nhau. Tại trường của mình, ông lựa chọn sự giáo dục đa dạng các truyền thống tôn giáo và sắc tộc khác nhau, từ đó giúp người học có khả năng suy nghĩ có trách nhiệm về tương lai nhân loại nói chung. Còn Dewey nhấn mạnh vào việc dạy lịch sử địa lý nhằm thúc đẩy khả năng đương đầu thích đáng với các vấn đề thực tế như một miếng vải đã được làm từ đâu và như thế nào mà nó đến được tay ta. GDKP sẽ mở rộng những trải nghiệm ban đầu này thành những lý thuyết tinh vi hơn, từ đó luôn đảm bảo sự gắn kết sinh viên với các vấn đề thực tại một cách sâu sắc nhất.
Tựu chung lại, tác giả cho thấy sinh viên được hưởng nền GDKP có khả năng thích nghi và phân tích các vấn đề toàn cầu tốt hơn việc chỉ học một chuyên ngành đơn lẻ. Quan trọng hơn, sinh viên sẽ trở nên một công dân có trách nhiệm toàn cầu thay vì trở thành những kẻ “thực dân có kiến thức” đàn áp kẻ khác trong một thế giới đã có quá nhiều thiếu hiểu biết và đổ vỡ.

3. Nền kinh tế bền vững
Một trong những chỉ trích mạnh mẽ nhất đến GDKP là nó không giúp gì được cho sự tăng trưởng kinh tế, thứ mà cả thế giới đang khao khát chạy đua theo. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 cho ta thấy thế giới đầy các nhà kinh tế chuyên nghiệp nhưng thiếu khả năng tự phản biện đã vận hành kém hiệu quả đến thế nào.
GDKP không đem lại những “lợi nhuận” trực tiếp có thể đo đếm được, nhưng nó đem lại nền tảng cho sự phát triển bền vững, và sự phát triển kinh tế cũng không là ngoại lệ. Cốt lõi của phát triển kinh tế là duy trì nền văn hóa kinh doanh lành mạnh, và nền văn hóa ấy chỉ có được nhờ khả năng tưởng tượng. Sự cách tân mà trí tưởng tượng đem lại trong kinh doanh là điều các doanh nghiệp luôn luôn tìm kiếm. Và không gì đào luyện trí tưởng tượng tốt bằng GDKP với các bộ môn văn chương và nghệ thuật. Vì thế tác giả kết luận rằng “sinh viên tốt nghiệp các ngành nhân văn sẽ được ưa chuộng hơn sinh viên có kiến thức chuyên môn hạn chế, chính xác là nơi họ được tin tưởng rằng sẽ có sự linh động và sáng tạo để thành công trong môi trường kinh doanh năng động”.
Cao hơn nữa, GDKP cung cấp tư duy phê phán cho sinh viên, rèn luyện khả năng cất lên tiếng nói lý tính dù xung quanh không một ai ủng hộ. Việc sẵn lòng cất lên tiếng nói phê phán, từ chối mọi sự thao túng là một phẩm chất cần thiết cho bất kì nhân viên nào luôn phấn đấu vì một tổ chức lành mạnh hơn. Nếu như GDKP được chú trọng hơn, chúng ta đã không phải thấy những sự kiện đáng tiếc đã xảy ra ở Lehman Brother, nơi người ta mù quáng chạy theo lợi nhuận và làm sụp đổ cả một hệ thống kinh tế. Đó là hậu quả của một nền giáo dục tạo ra những kẻ luôn - luôn - vâng - dạ và tiếng nói phê phán không bao giờ được thốt ra.
Vì thế, bỏ qua GDKP là bỏ qua một tương lai bền vững cho nền kinh tế, bỏ qua việc phát triển kinh tế phải đi đôi cùng phát triển con người.

4. Vì một nền GDKP mới
Để làm được những điều trên, GDKP không chỉ là vấn đề nội dung, mà còn là sư phạm. Dù chưa trả lời đầy đủ câu hỏi “Dạy như thế nào”, tác giả cũng phác thảo ra hai phương pháp quan trọng nhất.
Một là, tranh luận kiểu Scorate. Trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của logic và tư duy phê phán. Lớp học luôn được tổ chức theo các chủ đề quốc tế gây tranh cãi, trong đó sinh viên phải đứng từ những quan điểm khác nhau để đưa hệ thống lập luận chặt chẽ nhằm kích thích khả năng tư duy đa chiều và khả năng truyền thông tương tác. Kết hợp tư duy logic với sự đồng cảm, sinh viên sẽ học được cách tôn trọng các quan điểm khác biệt, trao đổi tư tưởng với người khác trong không khí dân chủ. Việc này đòi hỏi các lớp học nhỏ với các hoạt động viết luận dựa trên việc khảo sát, đánh giá bằng chứng, và phân tích lập luận trên các ngữ cảnh khác nhau.
Hai là, phát triển khả năng tưởng tượng với các hoạt động nghệ thuật. Việc dạy nghệ thuật trong GDKP không chú trọng đến tính biểu diễn mà chú trọng đến những cảm xúc mà sinh viên cảm nhận được khi họ tiếp thụ nghệ thuật. Không thể giảng dạy về giới (gender) thông qua việc học thuộc lòng khẩu hiệu “Hãy bỏ hình ảnh nam tính cũ của bạn đi”. Thông qua kịch nghệ, sinh viên được trực tiếp đóng vai, tham gia vào câu chuyện, tương tác với các nhân vật khác và nhận thấy rằng nam tính không có nghĩa là không khóc hay một mình chống lại thế giới, hay không chia sẻ nỗi muộn phiền với người đói ăn hay bị ngược đãi. Sự ngược đại đối với phụ nữ hay với người yếu thế chỉ xảy ra khi trí tưởng tượng nghèo nàn chỉ coi họ như những đồ vật không có trải nghiệm nào để khám phá. Niềm vui mà trí tưởng tượng nghệ thuật đem lại luôn có mối liên hệ mật thiết với hành động trầm tư về mặt văn hóa thay vì những cuộc đối thoại rạch ròi đầy sợ hãi và tự vệ. 
“Vô vị lợi” là tiếng nói quả quyết cất lên khi nền giáo dục dân chủ đang có nguy cơ lụi bại trước trào lưu thương mại hóa. Ủng hộ những giá trị bất biến như sự độc lập tư duy, sự thấu cảm, trách nhiệm công dân, Nussbaum đã cho thấy GDKP bắt kịp với toàn cầu hóa như thế nào, và chúng ta phải kiên quyết theo đuổi GDKP cho một tương lai tốt đẹp hơn. 

Comments

Popular posts from this blog

Triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt và giá trị gợi mở cho việc đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay