Thư mời viết bài cho Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn






Kính gửi: Các giảng viên, cán bộ khoa học, học viên cao học và nghiên cứu sinh
            Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội xin gửi đến Quý vị lời chào trân trọng. Được thành lập ngày 31/8/2015 (giấy phép hoạt động số 155/GP-BVHTT ngày 11 tháng 5 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mã số tiêu chuẩn quốc tế ISSN 2354-1172), Tạp chí là ấn phẩm khoa học chính thức, duy nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Tạp chí xuất bản định kỳ (05 số tiếng Việt/năm và 01 số tiếng Anh/năm), có nhiệm vụ công bố, giới thiệu các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của các tác giả ở trong và ngoài nước. Hội đồng biên tập của Tạp chí hiện bao gồm 29 nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Tạp chí tập trung và ưu tiên đăng tải những bài báo theo định hướng của tinh thần cởi mở, sáng tạo, nhanh chóng vươn lên để tiếp cận và sánh ngang với các tạp chí có uy tín hàng đầu của khu vực và trên thế giới. Nội dung chính của Tạp chí bao gồm các Bài nghiên cứu (khoảng 5000 đến 8000 từ), các bài điểm sách, thông tin khoa học (khoảng 300 đến 1000 từ) được trình bày theo đúng cấu trúc và chuẩn mực của một tạp chí khoa học (xin xem thêm Thể lệ gửi bài của Tạp chí).

            Hiện nay, Tạp chí đã ra mắt số đầu tiên vào dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống nhà trường và chuẩn bị cho số tiếng Anh đầu tiên vào tháng 12/2015. Ban Biên tập trân trọng kính mời các tác giả trong và ngoài nước đóng góp các bài nghiên cứu nguyên bản (bằng tiếng Việt và Tiếng Anh) có nội dung liên quan đến các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho các số tiếp theo của Tạp chí. Với số tiếng Anh tháng 12/2015, Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà khoa học, học viên sau đại học trước ngày 02/11/2015. Tất cả các bài nghiên cứu đều trải qua một quá trình phản biện kín, chuyên nghiệp bởi các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và quốc tế, đảm bảo chất lượng khoa học cao và được biên tập, chỉnh sửa theo các chuẩn mực quốc tế về trích dẫn, cấu trúc bài viết.
            Mọi thông tin xin liên hệ:  
          Phòng Tạp chí, 708-E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. ĐT: 04.35581984;                               
             Email: tckhxhnv@vnu.edu.vn hoặc tapchikhxhnv@gmail.com


THỂ LỆ GỬI BÀI
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

1. Bài đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn là bài chưa được đăng trên các sách, báo, tạp chí khác. Bài gửi đăng được đánh máy vi tính trên giấy khổ A4, phông chữ Unicode (Times New Roman), cỡ chữ 12, cách dòng 1.2. Mỗi bài gửi cho Toà soạn gồm 1 bản điện tử, không quá 8000 từ đối với bài nghiên cứu hoặc không quá 1000 từ đối với bài điểm sách/thông tin khoa học, 1 bản tóm tắt nội dung không quá 250 từ kèm theo các từ khoá (tối đa 5 từ khóa) để ngay sau tên bài (tên bài viết, tóm tắt, danh mục từ khóa được trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Việt). Trong bài viết, tên riêng của người, địa phương, thuật ngữ tiếng nước ngoài để nguyên văn, trừ những tên đã được Việt hóa (như Trung Quốc, Thái Lan,..). Các chú thích của bài viết để ở cuối trang, và được đánh số thứ tự tăng dần, bắt đầu từ số 1.
2. Việc trích dẫn ý, số liệu, hoặc tác giả trong bài viết cần nêu rõ nguồn. Đối với những đoạn trích dẫn nguyên văn thì để đoạn trích trong ngoặc kép và sau đoạn trích có mở ngoặc đơn trích nguồn. Việc nêu nguồn trích dẫn được thực hiện như sau:
- Nếu tác giả là người có tên tiếng Việt Nam hoặc đã được phiên âm sang tên tiếng Việt Nam: (Họ tên tác giả, năm xuất bản: số trang); ví dụ: (Nguyễn Văn Chính 2001: 68).
- Nếu tác giả là người có tên nước ngoài (không phải ngữ hệ La tinh thì phiên âm sang tiếng Anh): (Họ tác giả, năm xuất bản: số trang); ví dụ: (Durkheim 2000: 23).
- Việc trích nguồn từ công trình của hai tác giả trở lên được thực hiện như sau: Nếu tác giả đầu tiên là người có tên tiếng Việt Nam: (Họ tên tác giả đầu tiên và cộng sự, năm xuất bản: số trang); ví dụ: (Lý Lan và cộng sự 1999: 5). Nếu tác giả đầu tiên là người có tên nước ngoài (không phải ngữ hệ La tinh thì phiên âm sang tiếng Anh): (Họ tác giả đầu tiên và cộng sự, năm xuất bản: số trang); ví dụ: (Dobbin và cộng sự 2009: 30).
- Nếu trích cùng một ý từ nhiều công trình khác nhau thì liệt kê lần lượt từng công trình trong ngoặc đơn, cách nhau bằng dấu ";", ví dụ: (Dobbin và cộng sự 2006: 10; Lý Lan 1999: 12).
- Nếu đã nêu tên tác giả trong phần chính của câu thì chỉ cần mở ngoặc đơn ghi năm và số trang có ý đã trích; ví dụ: Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lý Lan (2004: 11).
- Một tác giả có nhiều ấn phẩm công bố trong cùng một năm thì người trích dẫn cần thêm các chữ a, b, c,.., vào ngay sau năm công bố để dễ phân biệt. Ví dụ: (Lý Lan 2010a: 7, 2010b: 15). Tài liệu nêu trong mục Tài liệu trích dẫn ở cuối bài cũng phải thêm chữ cái tương ứng.
- Trong các thí dụ nêu trên, nếu là trích dẫn ý lớn của cả công trình thì không cần nêu số trang, ví dụ: (Lý Lan 1999).
3. Nếu có trích dẫn trong bài thì cuối bài phải có mục Tài liệu trích dẫn. Trong mục tài liệu trích dẫn không đưa thêm tài liệu nào khác ngoài những tài liệu đã trích dẫn trong bài. Tài liệu trích dẫn được trình bày như sau:
- Nếu là sách, ví dụ:
Trịnh Duy Luân. 2005. Xã hội học Đô thị. Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội.
- Nếu là chương sách hay bài đăng trong một cuốn sách, ví dụ :
Nguyễn Thị Thanh Huyền. 2009. "Quy hoạch bãi rác đô thị nhìn từ giác độ xung đột môi trường." Trang 137-175 trong sách Nghiên cứu xã hội về môi trường, chủ biên Vũ Cao Đàm. Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
- Nếu là bài đăng trên tạp chí, ví dụ:
Bryant, Jonh. 2002. "Patrilines, Patriocality and Fertility Decline in Vietnam." Asia-Pacific Population Journal 17: 111-128.
Lê Ngọc Hùng. 2008. "Vốn xã hội, vốn con người và mạng lưới xã hội qua một số nghiên cứu ở Việt Nam." Tạp chí Nghiên cứu Con người 37:45-54
- Nếu là bài tham dự hội thảo, ví dụ:
Đỗ Thiên Kính. 2011. "Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay." Bài trình bày tại Hội thảo Khoa học công bố kết quả Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Viện Xã hội học (2009-2010), Viện Xã hội học, Hà Nội.
Fukuyama, Francis. 1999. "Social Capital and Civic Society." Presented at the IMF Conference on Second Generation Reforms, International Monetary Fund, Washington, DC.
- Nếu là bài đăng trên Internet, ví dụ:
Quốc Hội. 2009. "Luật Người cao tuổi." Cổng thông tin điện tử Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/..). Truy cập tháng 6 năm 2015.
4. Thứ tự các tài liệu trong mục Tài liệu trích dẫn ở cuối bài được quy định như sau: Tài liệu trích dẫn không đánh số thứ tự, dòng đầu tiên viết ngay từ đầu dòng, nếu cần hơn 1 dòng thì từ dòng thứ hai thụt lề như các ví dụ ở trên. Tài liệu trích dẫn được sắp xếp thứ tự theo bảng chữ cái theo họ tác giả hoặc tên tổ chức như các ví dụ ở trên. Nếu một tác giả có nhiều công trình ở nhiều thời điểm khác nhau được trích dẫn thì ở danh mục Tài liệu trích dẫn cần sắp xếp theo thứ tự thời gian: ấn phẩm công bố trước thì xếp trước.
5. Cuối bài cần ghi rõ họ và tên tác giả, chức danh khoa học, học vị, tên cơ quan và địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email để toà soạn tiện liên hệ. Đối với bài không được sử dụng, toà soạn không trả lại bản thảo.

Mọi thông tin và địa chỉ gửi bài viết, xin liên hệ: Phòng Tạp chí, 708-E, Trường Đại          học Khoa học Xã hội và  Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. điện thoại: 04.35581984; email:             tckhxhnv@vnu.edu.vn hoặc tapchikhxhnv@gmail.com.
TẠP CHÍ KHXH&NV

Comments

Popular posts from this blog

Triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt và giá trị gợi mở cho việc đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay